Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì (15- 20/4/1945)

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư của Đảng (5/1941 - 10/1956) và (7/1986 - 12/1986); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/1960 - 7/1981); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981- 6/1987) )Trường Chinh
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp
    • Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội (1964-1981); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (9/1945 đến 2/3/1946)Chu Văn Tấn
    • Ủy viên Bộ Chính trị Khóa III, IV, V; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; (2/1980 - 2/1987)Văn Tiến Dũng
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa IV; Phó Thủ tướng Chính phủ (1960-1981); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; (1982-1986)Lê Thanh Nghị
    • Ủy viên Trung ương Đảng; Trưởng Ban Kiểm tra đầu tiên của Đảng; (10/1948 - 1950)Trần Đăng Ninh

Hơn một tháng sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) ở Đông Dương, tình hình quốc tế và trong nước chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho Cách mạng. Để chuẩn bị lực lượng kịp thời nắm bắt thời cơ tổng khởi nghĩa, từ ngày 15 đến 20.4.1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội Nghị Quân Sự Cách Mạng Bắc Kì tại nhà Ngô Văn Đông, làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân (nay là thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh. Các đại biểu tham dự Hội nghị có: Võ Nguyên Giáp, đại biểu của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; Chu Văn Tấn, đại biểu của Cứu quốc quân và Chiến khu Việt Bắc; Văn Tiến Dũng, đại biểu của Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa); các đại biểu du kích, tự vệ ở các địa phương khác và các cán bộ chủ chốt thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, hậu cần cho quân đội như Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Bạch Thành Phong.

Sau khi đánh giá tình hình thế giới và tình hình trong nước, Hội nghị phân tích phong trào đấu tranh vũ trang chống phát xít Nhật và thực hiện Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta’’ (12.3.1945); chỉ ra những ưu điểm của phong trào là đã chuyển hướng kịp thời, tập trung lực lượng chĩa mũi nhọn vào phát xít Nhật; tính chất vũ trang của phong trào ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, khuyết điểm rõ nhất là sự phát triển quá chênh lệnh (nơi quá cao, nơi quá thấp) của phong trào. Dự báo Quân đội Đồng minh chống phát xít sẽ đổ bộ vào Đông Dương, Hội nghị đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ khác, cụ thể là tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Hội nghị quyết định thành lập 7 chiến khu trên toàn quốc (Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo ở Bắc Bộ; Trưng Trắc, Phan Đình Phùng ở Trung Bộ; Nguyễn Tri Phương ở Nam Bộ) và xác định rõ nhiệm vụ cho từng chiến khu. Các chiến khu ra đời trong thời kì tiền khởi nghĩa là một bộ phận của nước Việt Nam độc lập, thống nhất với nhau bằng giao thông liên lạc, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ủy ban Quân sự Cách Mạng. Xây dựng các căn cứ địa kháng Nhật, cứu nước là nhiệm vụ cấp bách, phải tiến hành ngay ở những vùng có đủ điều kiện về địa hình, có cơ sở quần chúng mạnh, nhiều lương thực, và có lợi thế về lực lượng so với quân Nhật đó là: rừng núi ở Bắc Kì, rừng núi Trường Sơn và Tây Nguyên ở Trung Kì, rừng ngập mặn và bưng biền ở Nam Kì. Trong mỗi căn cứ địa lớn cũng cần xây dựng nhiều căn cứ địa nhỏ để tạo thế trận liên hoàn, vững chắc trong đánh địch, làm bàn đạp cho tổng khởi nghĩa và là “cái mầm” của nước Việt nam độc lập, tự do.

Hội nghị thống nhất việc củng cố và phát triển bộ đội chủ lực; hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân, là Quân đội Cách Mạng của cả nước, có tổ chức biên chế và nguyên tắc chỉ huy thống nhất. Cùng với đó là công tác bảo đảm hậu cần, trang bị vũ khí, kĩ thuật cho bộ đội. Việc “tổ chức các đội quân đặc biệt”: Lực lượng Vũ trang địa phương, dân quân, tự vệ, đội quân đấu tranh chính trị trong công nhân, phụ nữ và người ngoại quốc... cũng được thảo luận và quyết nghị. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Bắc Kì (tức Bộ chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân miền Bắc Đông Dương) gồm Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh... có trách nhiệm và quyền hạn: chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương về mặt chính trị và quân sự, đồng thời có nhiệm vụ giúp đỡ toàn quốc về mặt quân sự. Hội nghị cũng chỉ ra nhiệm vụ tác chiến chủ yếu của các Lực lượng Vũ trang Cách Mạng: Ở vào giai đoạn chiến lược “phát động du kích” để chuẩn bị tổng khởi nghĩa nên áp dụng chiến thuật đánh úp quân địch bằng những trận nhỏ, chắc thắng để giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng. Muốn vậy, phải xây dựng du kích, tự vệ thật hùng hậu ở các chiến khu, đồng thời với việc xây dựng nhiều căn cứ địa đề phòng Nhật bao vây. Trường hợp bị bao vây Lực lượng Vũ trang phải dùng chiến thuật “dĩ công vi thủ”, nghĩa là chủ động tiến công quân địch để phòng thủ vững chắc; khi địch mạnh hơn thì có thể linh hoạt phân tán để bảo toàn lực lượng, sau đó tổ chức đánh địch ở nơi chúng yếu và sơ hở. Hội nghị cũng nhấn mạnh đến việc kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đặc biệt là sách lược đấu tranh ngoại giao “thêm bạn, bớt thù”.

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì đánh dấu bước phát triển mới về tư tưởng và lí luận quân sự của Đảng Cộng sản Đông Dương, cụ thể hóa những vấn đề quân sự mà Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng (9-12.3.1945) nêu ra trong Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” về nhiệm vụ, công tác quân sự, cũng như chỉ ra những biện pháp cụ thể để thực hiện chỉ thị đó, nhằm đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)