Hội nghị Trung ương 21 (7/1973)

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư của Đảng từ 12/1986 đến 6/1991 Nguyễn Văn Linh
    • Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa III, IV, V; Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng (1974-1981)Hoàng Văn Thái
    • Ủy viên Bộ Chính trị Khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng Khóa V; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (6/1987- 9/1992)Võ Chí Công
    • Ủy viên Bộ Chính trị Khóa V, VI, VII, VIII; Thủ tướng Chính phủ; nước CHXHCN Việt Nam (8/1991 - 9/1997)Võ Văn Kiệt
    • Bí thư thứ nhất (9/1960 - 12/1976); Tổng Bí thư của Đảng (12/1976 - 7/1986)Lê Duẩn

Từ đầu 1973, thực hiện Hiệp định Pari, Mĩ phải rút quân nhưng vẫn dùng Quân đội và chính quyền Sài Gòn để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam với mục tiêu trước mắt là lấn chiếm vùng giải phóng và bình định vùng chiếm đóng, tiêu diệt một bộ phận và đẩy Quân Giải Phóng Miền Nam ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam. Để thực hiện âm mưu trên, Mĩ tăng cường viện trợ kinh tế và cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh, mở rộng quy mô các thứ quân, liên tiếp hành quân càn quét, lấn chiếm.

Sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, Đảng dự kiến có 2 khả năng: Một là hiệp định được thực hiện từng bước, hoà bình được duy trì, phong trào Cách Mạng miền Nam có bước phát triền mới; Hai là chiến tranh sẽ tiếp tục; ta tranh thủ khả năng một và sẵn sàng đối phó với khả năng hai. Cuối tháng 5.1973, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương họp mở rộng kịp thời nhận định tình hình mới sau mấy tháng thi hành Hiệp định Pari, thấy được xu hướng chống phá hiệp định của Mĩ, chính quyền và Quân Đội Sài Gòn và phân tích những sơ hở, khuyết điểm của ta, nhất là trong chủ trương đối phó với hành động lấn chiếm, bình định. Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị xác định miền Nam trong tình trạng vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh, do đó, ta cần chủ động tiến công địch, kết hợp đấu tranh Quân Sự với đấu tranh pháp lí.

Tham dự Hội nghị ngoài các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đang công tác tại miền Bắc còn có các ủy viên đang công tác tại miền Nam gồm: Nguyễn Văn Linh, Hoàng Văn Thái, Võ Chí Công, Trần Hữu Dực, Võ Văn Kiệt... Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Lê Duẩn chủ trì, quán triệt Hội nghị đánh giá tình hình từ sau Hiệp định Pari, đánh giá so sánh lực lượng, điểm mạnh, điểm yếu của ta và địch, làm cơ sở xác định phương châm, phương thức đấu tranh, đưa Cách Mạng tiến đến thắng lợi mới; Mĩ – Quân Đội Sài Gòn công khai phá hoại hiệp định, tiếp tục chiến tranh thì Cách Mạng miền Nam phải tiến lên bằng con đường bạo lực, chiến lược của ta là tiến công, vấn đề Quân Sự phải được đặt lên hàng đầu, đấu tranh chính trị phải kết hợp với đấu tranh Quân Sự, binh vận, pháp lí để giành dân, giành quyền làm chủ.

Hội nghị thảo luận báo cáo trung tâm do Quân ủy Trung ương chuẩn bị, phân tích kĩ tình hình địch, ta ở miền Nam, tình hình chiến trường 6 tháng sau khi kí Hiệp định Pari, bối cảnh quốc tế phức tạp, âm mưu thủ đoạn của chính quyền Nichxơn và ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, khả năng của Mĩ, Quân Đội Sài Gòn, đánh giá tương quan lực lượng trên chiến trường và trong cả nước, dự kiến những tình huống chiến lược có thể xảy ra. Quân ủy Trung ương đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng chủ trương và kế hoạch hoạt động ở miền Nam trong thời gian trước mắt nhằm đẩy mạnh đấu tranh ở vùng tạm bị chiếm, vùng tranh chấp, xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng. Hội nghị đã nêu cao tinh thần dân chủ, phát huy trách nhiệm, thảo luận kĩ tất cả mọi vấn đề đường lối, chiến lược của Cách Mạng miền Nam, nhiệm vụ của hậu phương lớn miền Bắc, đường lối quốc tế, đoàn kết ba nước Đông Dương, ngoại giao, xây dựng Đảng.

Ngày 6.7, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn kết luận Hội nghị nêu rõ sự nhất trí cao của Ban Chấp hành Trung ương về quyết tâm giải phóng miền Nam. Hội nghị đã giao cho Võ Nguyên Giáp và Vũ Tuân, Chánh văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, chỉnh lí dự thảo nghị quyết. Ngày 4.10.1973, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 21 với các nội dung quan trọng về đường lối Cách Mạng, chiến tranh Cách Mạng, và chỉ đạo chiến lược: Nhiệm vụ cơ bản của Cách Mạng miền Nam trong giai đoạn mới là đoàn kết toàn dân, tiếp tục thực hiện chiến lược Cách Mạng dân tộc Dân chủ Nhân dân, kiên định con đường Cách Mạng bạo lực, giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt để đưa Cách Mạng đến thắng lợi hoàn toàn; nhiệm vụ trước mắt là phát huy thế chủ động, kiên quyết phản công và tiến công, kết hợp chặt chẽ đấu tranh Quân Sự, chính trị, ngoại giao, giữ gìn và phát triển lực lượng, đánh thắng địch từng bước. Địch dùng chiến tranh chống lại Cách Mạng nên ta kiên quyết phản công và tiến công, giữ vững và phát huy thế chủ động mọi mặt; trước mắt phải nắm vững Lực lượng Vũ trang, củng cố và phát triến mạnh ba thứ quân đi đôi khắc phục tình trạng mất cân đối; bố trí lực lượng tạo thế căng kéo, không cho địch lấn chiếm ở từng khu vực; giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của Cách Mạng là yêu cầu vừa bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới. Xác định nhiệm vụ và công tác lớn, cấp bách để thực hiện: 1) trong bất cứ tình hình nào cũng phải nắm vững lục lượng vũ trang; 2) giành dân và giành quyền làm chủ của nhân dân; 3) đẩy mạnh công tác binh vận; 4) đẩy mạnh đòn tiến công ở đô thị; 5) xây dựng và củng cố vùng giải phóng; 6) tăng cường công tác mặt trận; 7) đây mạnh công tác ngoại giao; 8) tăng cường công tác xây dựng Đảng.

Nghị quyết Trung ương 21 tác động đến các chiến trường trong cả nước: trên chiến trường miền Nam, quân và dân chặn đứng phần lớn các cuộc “bình định”, lấn chiếm của Quân Đội Sài Gòn; ở Trị - Thiên, ta khôi phục lại thế đứng trước ngày kí Hiệp định Pari; ở Khu 5, ta giành lại các vùng địch lấn chiếm; ở Tây Nguyên, ta mở thêm được nhiều khu vực ở Trung Nghĩa (Kon Tum) và Chư Nghé (Pleiku); ở miền Đông Nam Bộ, ta đánh mạnh, giải phóng thêm vùng Kiến Đức - Bù Bông, giải phóng hành lang nối liền Nam Bộ với Tây Nguyên; ở Khu 8, ta làm chủ một số vùng ở nam, bắc đường 4; ở Khu 9, ngay từ đầu ta đã kịp thời tiến công và phản công, nên không những giữ vững được hình thái trước 27.1.1973 mà còn giải phóng thêm nhiều địa bàn quan trọng. Hậu phương lớn dốc sức người, sức của ra tiền tuyến; quân số các đơn vị Quân Giải Phóng được bổ sung; nhiều binh chủng kĩ thuật đã tới chiến trường; đường vận chuyên chiến lược Trường Sơn được mở rộng, nối dài; hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu được tiếp tế vào chiến trường. Hội nghị Trung ương 21 là một trong những hội nghị lịch sử của cuộc Kháng chiến chống Mĩ, Nghị quyết Hội nghị là một trong những văn kiện quan trọng nhất chỉ đạo kháng chiến, trực tiếp chỉ đạo Cách Mạng và chiến tranh Cách Mạng giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, góp phần quyết định nhanh chóng việc xoay chuyển tình thế ở miền Nam, làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường có lợi cho Cách Mạng miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc Kháng chiến chống Mĩ.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)